[VnEconomy] Giáo sư Mỹ: Muốn duy trì tăng trưởng mạnh, Việt Nam cần xử lý điểm yếu về năng suất lao động

Trong bài tham luận của mình vị giáo sư cho rằng trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam sẽ khó có thể viết tiếp câu chuyện thành công của 30 năm qua nếu không có những sự dịch chuyển vĩ mô mang tính chiến lược. Bởi theo ông, nền kinh tế Việt Nam đang tồn tại nhiều hạn chế...

Đây là nhận định của Giáo sư Andreas Hauskrecht tại Diễn đàn hợp tác Việt Nam - Hoa kỳ do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức.



GS. Andreas Hauskrecht của Đại học Indiana trình bày tham luận tại diễn đàn được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Sáng ngày 15/11, Diễn đàn hợp tác Việt Nam - Hoa kỳ với chủ đề "Đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển bền vững" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức tại Hà Nội.

Sự kiện có sự tham gia của đại diện các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, cũng như nhiều chuyên gia kinh tế và nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới. Tại diễn đàn, các diễn giả cùng nhau thảo luận về những thách thức cũng như cơ hội của Việt Nam trong kỷ nguyên tăng trưởng mới.

Trình bày tham luận, GS. Andreas Hauskrecht của Đại học Indiana, bày tỏ ấn tượng với sự tăng trưởng “thần kỳ” của Việt Nam sau hơn 30 năm kể từ lần đầu ông tới Việt Nam năm 1991.

CẦN MỘT BƯỚC NGOẶT VỀ NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG

“Khi tôi đến Việt Nam vào năm 1991, Việt Nam có GDP bình quân đầu người là khoảng 140 USD. Ngày nay, Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người hơn 4.300 USD và nằm trong nhóm thu nhập trung bình cao”, vị giáo sư phát biểu.

Ông cho rằng động lực chính giúp Việt Nam đạt được những điều này là công cuộc cải cách nền kinh tế theo định hướng thị trường. Cùng với đó, sự kiện bước ngoặt khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ với Việt Nam vào năm 1994. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ và có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ.

Tuy nhiên, vị giáo sư cho rằng trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam sẽ khó có thể viết tiếp câu chuyện thành công này nếu không có những sự dịch chuyển vĩ mô mang tính chiến lược. Bởi theo ông, nền kinh tế Việt Nam đang tồn tại nhiều hạn chế. 

Thứ nhất là Việt Nam có độ mở thị trường thuộc hàng lớn nhất thế giới, dẫn tới sự thiếu ổn định và đặc biệt dễ tổn thương trong một số tình huống.

Thứ hai là vấn đề thặng dư thương mại lớn với Mỹ với Mỹ. Theo ông Hauskrecht, đây là vấn đề không chỉ Đảng Cộng hòa mà cả hai chính đảng của Mỹ đều quan tâm.

“Một nền kinh tế với quy mô như Việt Nam mà có thặng dư thương mại hơn 100 tỷ USD với Mỹ là không bền vững và đặt Việt Nam vào vị thế rất dễ tổn thương với các phản ứng chính sách từ Mỹ”, giáo sư Hauskrecht phân tích.

Quang cảnh diễn đàn hợp tác Việt Nam - Hoa kỳ. 

Quang cảnh diễn đàn hợp tác Việt Nam - Hoa kỳ diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội 

Thứ ba là tính bền vững của trạng thái nhân khẩu học của Việt Nam. Vị giáo sư cho rằng nhân khẩu học – vốn là động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam – đang là những con số tốt. Tuy nhiên, dân số Việt Nam dù vẫn tăng nhưng tăng chậm.

“Trong các cuộc trao đổi của tôi với quan chức Chính phủ Việt Nam, họ hỏi tôi làm thế nào để Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng 8-10%. Tôi nói rằng các bạn sẽ phải cần tới phép màu, vì xét tới các yếu tố kinh tế vĩ mô nền tảng hiện nay, việc duy trì xu hướng tăng trưởng 8-10% là phi thực tế, trừ phi các bạn có thể tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ về năng suất lao động”, ông Hauskrecht phát biểu.

Vị giáo sư cho rằng ở thời điểm hiện tại, năng suất lao động thấp của khu vực kinh tế nhà nước đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. Bởi, dù kinh tế nhà nước chiếm một cấu phần lớn của nền kinh tế, nhưng khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng và điều này sẽ không kéo dài mãi mãi.

"Xét về logic đơn thuần, khi một nền kinh tế tăng trưởng, ảnh hưởng tích cực của FDI sẽ giảm theo thời gian. FDI đã rất có ích cho kinh tế Việt Nam trong 20 năm qua, nhưng điều này sẽ không tiếp tục trong những năm tới. Bởi vậy, điều thực sự cần thiết là thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Chìa khóa ở đây là thế hệ trẻ của Việt Nam có thể kích thích và phát triển khu vực kinh tế tư nhân”.

BẪY THU NHẬP TRUNG BÌNH VÀ BÀI TOÁN NĂNG SUẤT

Đồng quan điểm với giáo sư Hauskrecht, TS. Vũ Hoàng Linh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, một thách thức lớn của kinh tế Việt Nam hiện tại là phụ thuộc quả nhiều vào lao động giá rẻ với năng suất thấp hơn đáng kể so với các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia.

Việt Nam cũng đang phụ thuộc nhiều vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Trong khi đó, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển ở mức thấp 0,43% GDP (2021), thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc (4,5%) hay Trung Quốc (2,4%). Về đào tạo nhân lực, các trường đại học của Việt Nam thiếu sự kết nối với các ngành công nghệ đổi mới sáng tạo.

TS. Vũ Hoàng Linh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, phát biểu tại diễn đàn.

TS. Vũ Hoàng Linh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, phát biểu tại diễn đàn

“Những điều này đặt Việt Nam trước bẫy thu nhập trung bình”, ông Linh nhận định. “Cùng với đó, như nhiều nền kinh tế đang phát triển khác trên thế giới, Việt Nam đối mặt với các rủi ro về môi trường trong dài hạn. Việt Nam cũng đứng trước thách thức lớn khi căng thẳng địa chính trị gia tăgng tác động tới hoạt động thương mại. Cùng với đó là thách thức cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng nhanh và đảm bảo môi trường bền vững”.

Trước những thách thức này, ông Linh cho rằng Việt Nam cần nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển kỹ năng cho người lao động. Cùng với đó, cần khẩn trương phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với việc tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và công ty vừa và nhỏ. Đây là những điểm mấu chốt để nâng cao chất lượng lao động.

“Chúng ta cần cải cách chương trình đào tạo theo hướng tập trung vào tư duy phản biện và kỹ năng số, đồng thời chú trọng đào tạo nghề và tạo ra các cơ hội học tập suốt đời”, vị tiến sĩ khuyến nghị cụ thể để nâng cao năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh mới.

>> Nguồn: https://vneconomy.vn/giao-su-my-muon-duy-tri-tang-truong-manh-viet-nam-can-xu-ly-diem-yeu-ve-nang-suat-lao-dong.htm


VnEconomy; Tổng hợp: Tiến Thành - UEB Media